Tin mới nhất

Hướng dẫn cách làm mứt tết

Từ thời xa xưa, bánh mứt được xem là một trong những món ăn đặc sắc xuyên suốt dịp Tết Nguyên Đán. Đây không chỉ là một thức quà ngon, phù hợp để nhâm nhi cùng tách trà nóng dưới tiết trời mùa Xuân mà còn là một thứ quà mọn dùng để tiếp đãi các vị khách quý. Nhân dịp Tết đang dần đổ bộ, hãy cùng ANCARAT vào bếp làm ngay 3 loại mứt kinh điển nhé.

1. Mứt dừa

Đây là loại mứt có số lượng người hâm mộ đông đảo nhất tại Việt Nam. Mứt dừa sau khi hoàn thành sẽ có hình dạng mỏng và được áo một lớp đường cát trắng bên ngoài. Khi thưởng thức, người ăn sẽ cảm nhận được vị béo ngậy và sự giòn mềm của cùi dừa, bên cạnh đó là mùi thơm thoang thoảng của đường. Vậy để có được một mẻ mứt dừa thơm ngon thì chúng ta cần những nguyên liệu sau:

  • 3 quả dừa khô (tương đương 1kg cơm dừa)
  • 300g đường cát trắng

Thông thường, người làm sẽ tuyển chọn những quả dừa khô to để có thể cắt phần cơm thành những sợi mứt mỏng, nhỏ và đẹp. Sau khi rửa sạch 3 quả dừa khô, bạn hãy chắt nước bên trong để lấy phần cơm đem phơi từ 20 đến 30 phút cho ráo nước. Sau đó, trộn với 300g đường cát đã chuẩn bị trước, khâu này hãy nhớ đảo đều tay để đường và dừa có thể hòa quyện đồng đều với nhau nhé! Khi đường đã tan hết, đem hỗn hợp đảo đều trên chảo lửa nhỏ, khâu này còn thường được gọi là sên mứt.

Lưu ý trong quá trình nấu, các bạn cần dùng mui trộn đều tay để phần mứt không bị cháy hay ngả vàng quá độ. Ngoài ra, để tăng tính thẩm mỹ cho mứt dừa, một số người còn cho thêm lá dứa, nước thanh long và cà rốt để tạo nên những màu sắc độc lạ.

Mứt bí

“Khách đến nhà không trà thì bánh”, ngoài mứt dừa tuyệt phẩm thì mứt bí cũng là món luôn luôn xuất hiện trong hộp bánh kẹo Tết của mỗi nhà. Với vị bùi, béo, ngọt thanh từ bí đao già và đường cát, món ăn này nghiễm nhiên có mặt trong tất thảy những giỏ quà biếu đầu năm. Vậy bạn đã biết cách chế biến ra món ăn này chưa? Trước hết, chúng ta hãy cùng nhìn qua phần nguyên liệu bên dưới:

  • 400g Bí đao già 
  • 400g Đường trắng
  • 14g  Phèn chua
  • 30g Vôi trắng 
  • 1 ống Vani không màu

Bước đầu tiên, pha riêng biệt 14g phèn chua và 30g vôi trắng với mỗi 4 lít nước qua đêm trước khi làm mứt. Hôm sau, khi phèn chua đã hoà tan hoàn toàn thì đổ 2 lít ra một thùng riêng để ngâm bí, phần còn lại sẽ dùng để luộc bí. Với nước vôi khi đã lắng cặn, hãy tách phần cặn và giữ lại nước để sử dụng. Về phần bí đao sau khi đã vệ sinh sạch sẽ, loại bỏ vỏ và ruột thì hãy cắt thành những miếng dài, vừa ăn rồi đem ngâm với nước phèn chua. Được vài phút thì đem rửa với nước vôi trong, đậy kín nắp và để qua đêm, hôm sau chỉ cần lọc ra và rửa lại vài lần là được.

Cũng như các món mứt khác, bí đao sẽ được trộn ướp đều với đường cát trắng và sên trên chảo bếp ở lửa vừa đến khi sôi thì hạ nhiệt. Lưu ý khi đảo hỗn hợp, người nấu cần đảo đều tay để tránh màu mứt bị ngả vàng nhé.

Mứt gừng

Một điểm đặc biệt khi vào Xuân đó là thời tiết ở các nơi trên Việt Nam sẽ mang một cảm giác khác nhau. Nếu Sài Gòn là sự ấm áp thì tại Hà Nội, người dân sẽ đón những đợt gió se se lạnh. Vì vậy, với sự ngọt dịu cùng một chút vị cay nồng, mứt Gừng không chỉ mang lại vị ngon ngọt mà còn làm ấm cơ thể người dùng, rất tốt cho sức khỏe mỗi khi tiết trời trở lạnh. Để có được những lát mứt gừng thơm bổ, ta cần chuẩn bị những nguyên liệu sau:

  • 500g gừng tươi cát lát
  • 1 quả chanh
  • 250g đường 

Sau khi rửa sạch 500g gừng tươi nhiều lần, bạn hãy luộc chung với 3 lít nước lần đầu trong vòng 15 phút. Sau đó, vớt ra rửa sạch với nước lạnh và đem hong khô để chuẩn bị luộc lần hai. Kế đến, tiếp tục bắc nồi với 3 lít nước, đừng quên vắt thêm 1 trái chanh để nấu phần gừng đó trong 15 phút. Vớt gừng ra, đem phơi ráo rồi ướp với 250g đường đã chuẩn bị sẵn tỉ lệ 1:2 trong 3-4 tiếng để thấm hoàn toàn. Bước tiếp theo vẫn là sên mứt, đảo đều hỗn hợp trên chảo với lửa vừa rồi từ từ hạ nhiệt độ khi thấy sôi. Khi thấy đường kết tinh, tạo thành một lớp trắng mỏng bao quanh lát gừng, tắt bếp và tiếp tục đảo đều tay đến khi nguội thì lấy ra. Vậy là bạn đã có cho mình một phần mứt gừng ngon bổ rồi đấy.

Vậy là chúng ta đã bỏ túi được bí kíp làm 3 loại mứt ngon thần sầu dùng để thưởng thức và biếu tặng trong dịp Tết Nguyên Đán sắp tới rồi đấy! Thông thường, người dân sẽ biếu mứt chung với những món quà có ý nghĩa mang lại may mắn cho người thân như miếng dán vàng mèo chiêu tài 24K, bao lì vàng 24K,… Nhân dịp Tết đến xuân về, hãy đến với Ancarat để nhận được một số gợi ý món quà ý nghĩa trong dịp Tết nhé.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *